Theo chị Giang Thị Kiều Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phụng, huyện Long Phú, những năm qua, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/06/2017 của Thủ tướng Chính Phủ, phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, trên cơ sở chỉ đạo của Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã, đã triển khai sâu rộng nội dung của Đề án đến các hội viên, phụ nữ trên toàn địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Đồng thời thông qua các nguồn lực như: Ngân sách Nhà nước, nguồn lực của Tỉnh hội, Huyện hội, của Ngân hàng Chính sách Xã hội, … Hội LHPN xã Song Phụng đã tập trung thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động để hỗ trợ chị em khởi nghiệp, trong đó xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình buôn bán tạp hóa; mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình nuôi lươn giống; mô hình trồng rau sạch; mô hình kinh doanh quán ăn uống, giải khát; hợp tác xã đan đát; mô hình khởi nghiệp Rượu Đông Trùng Hạ Thảo (thực hiện thành công sản phẩm OCOP) …”
Chị Nguyễn Thị Út Nhỏ, ở ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp của Hội Phụ nữ xã, với số tiền 10 triệu đồng, xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn, (với 02 bể ban đầu, khởi nghiệp từ năm 2018). Sau nhiều năm theo đuổi mô hình nuôi lươn (lươn không bùn), đến nay chị Út Nhỏ đã thành công với 08 bể nuôi lươn thương phẩm và 1.000m2 nuôi lươn giống, cho lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/tháng.
Chú thích ảnh: Chị Út Nhỏ đang chăm sóc bể nuôi lươn của gia đình.
Để đạt được thành công này, chị Út Nhỏ có không ít lần thất bại, nhưng mỗi lần thất bại, chị không nản lòng, từ những kinh nghiệm đó chị tìm tòi, học hỏi thêm để khắc phục, làm lại mô hình cho thành công. Chị Út Nhỏ kể: “Tôi đã bắt đầu nuôi lươn từ mấy năm trước, nhưng ban đầu chỉ là do đi đặt trúm bắt được lươn lớn bán, còn lươn nhỏ để lại nuôi. Mới đầu chưa có kinh nghiệm, nên nuôi lươn không thành công, lươn bệnh, hiệu quả kinh tế thấp, gia đình nghèo, không vốn liếng. Đến năm 2018, tôi được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 10 triệu đồng để khởi nghiệp, tôi đầu tư xây (02 bể) thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn, qua nhiều lần thử nghiệm, vừa làm, vừa học tập những người đã nuôi trước, dần dần mới có kinh nghiệm, hiện nay gia đình tôi đã phát triển được 08 bể nuôi lươn thương phẩm và 1.000m2 nuôi lươn giống”. Mô hình nuôi lươn giống của chị Út Nhỏ, có quy mô 1.000m2, gồm khu nuôi lươn bố mẹ, ấp trứng và nuôi lươn con. Khu vực nuôi lươn bố mẹ, chị Út Nhỏ tạo một môi trường giống như trong tự nhiên và đặt các ống nhựa hình trụ trong bể để lươn vào đẻ trứng. Nhằm giúp lươn đẻ trứng nhiều, nở con chất lương hơn, chị Út Nhỏ đã thử nghiệm lấy giống lươn bố mẹ thuần lươn đồng, kết hợp lươn đồng, lươn nuôi để so sánh hiệu quả và lựa chọn.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lươn giống cũng như lươn thương phẩm, chị Út Nhỏ khẳng định, trong nuôi lươn quan trọng nhất là nguồn nước; kế đến mới là chất lượng con giống. Người nuôi lươn muốn thành công cần đảm bảo được nguồn nước đưa vào bể nuôi là nước sạch, lươn sẽ giảm được bệnh, chết, hạn chế hao hụt và đạt năng suất cao hơn. Chính vì vậy, chị Út Nhỏ mạnh dạn đầu tư xây dựng hồ chứa nước, hệ thống lọc nước để cung cấp nguồn nước sạch phục vụ mô hình nuôi lươn của mình. Ngoài ra, chị thường xuyên quan sát, theo dõi các bể lươn rất kỹ, phát hiện sớm khi lươn có dấu hiệu bệnh để chăm sóc, trị bệnh hiệu quả. Cơ sở sản xuất lươn giống của chị Út Nhỏ trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 10.000 – 15.000 con lươn giống. Hiện tại, đầu ra ổn định, hàng tháng từ mô hình này trừ các khoản chi phí, gia đình chị có thể thu về lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá cao, chỉ với diện tích đất 1.000m2.(chưa kể thu nhập từ 08 bể nuôi lươn thương phẩm).
Thành công với đồng vốn khởi nghiệp của mình, chị Út Nhỏ chia sẻ: “Cũng nhờ các cấp Hội Phụ nữ quan tâm hỗ trợ vốn khởi nghiệp, tôi được tham gia vào các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, nhất là phương pháp nuôi lươn giống, tôi mới thành công với mô hình này; nhờ thực hiện mô hình này, nên gia đình tôi mới thoát nghèo, mỗi ngày sau khi chăm sóc lươn, thời gian rãnh rỗi tôi còn tham gia tổ đan đát, nay đã trở thành thợ lành nghề, kiếm thêm thu nhập tại gia đình, không phải đi làm ăn xa”. Chị Giang Thị Kiều Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Song Phụng cho biết thêm: “Chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được các Chi hội Phụ nữ đồng loạt triển khai, tạo hiệu ứng lan tỏa đến hội viên, phụ nữ trong xã. Nhiều chị đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, làm chủ cuộc sống”. Cũng theo chị Kiều Mai, sự quyết liệt, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của phụ nữ là thuận lợi để các chị tham gia Chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà các cấp phụ nữ phát động.
Qua Phong trào khởi nghiệp do các cấp Hội LHPN phát động, giai đoạn 2017 – 2025, đã có nhiều chị em phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, xây dựng được tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm, không những tạo điều kiện giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, mà còn xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giúp chị em phụ nữ ở nông thôn nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình, góp phần cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Bài và ảnh: Sóc Ca.